Đang bước vào cao điểm mùa khô, ít có mưa trái mùa, khiến nhiều địa phương ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… bị khô hạn, hàng trăm ha cây trồng đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng.

GỒNG MÌNH CHỐNG HẠN

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, do mùa mưa kết thúc sớm, khô hạn lại diễn ra ngay từ cuối năm 2012 đến nay nên tình hình hạn hán càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh đang đối mặt với hạn như huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất...

Cũng do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng nước phục vụ tưới tiêu trên địa bàn các huyện này bị sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí ngay cả những xã nằm cạnh sông Đồng Nai cũng đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hàng trăm ha cây trồng.

Chúng tôi có mặt tại một số địa bàn như xã Đắk Lua, xã Phú Bình (huyện Tân Phú), xã Hưng Lộc (Thống Nhất) chứng kiến hàng trăm ha bắp và lúa của nông dân đang trong cơn khát trầm trọng. Do vậy để cứu cây trồng, người dân đang phải huy động máy bơm và ống dẫn nước để bơm vượt cấp từ các con sông lớn về tới khu vực ruộng khô hạn.

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Phước, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc than thở: “Mùa khô hạn năm nay đến sớm, chẳng được trận mưa trái mùa nào như mọi năm khiến cả người và cây đều khát. Nông dân đang chờ mưa từng ngày. Nếu cứ kéo dài tình trạng nắng nóng khô hạn này thì không chỉ người trồng lúa, màu thiệt hại nặng, đến nhà vườn chúng tôi cũng thất thu mùa trái sắp tới”.

alt
Mùa khô hạn kéo dài khiến nông dân khốn đốn

Theo anh Phước, gia đình anh có vườn rẫy trồng sầu riêng, chôm chôm, ca cao… trong mùa khô này bị héo rũ dần vì thiếu nước tưới. Mặc dù anh đã phải khoan 2 giếng sâu để lấy nước nhưng chỉ đạt 1/3 lượng nước tưới cho vườn cây so với mọi năm.

Cũng do khô hạn kéo dài khiến một số vườn cà phê, cao cao, điều... trên địa bàn huyện Thống Nhất, cũng như những ruộng mía lớn ở huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch mới đây bị cháy rụi, thiệt hại cho nhà vườn hàng trăm triệu đồng.

Một số nhà vườn cho biết, để chống khô hạn cho vườn cây, người dân đã phải dùng nhiều biện pháp tưới nhỏ giọt để duy trì; đồng thời ủ gốc cây giữ độ ẩm hay bón tăng cường lượng phân kali và giảm lượng phân urê nhằm giúp cho cây cứng cáp hơn, bớt phát triển lá tăng độ chịu hạn nhiệt. Thậm chí có những Cty còn nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người dân, đã xuống tận các vườn để giới thiệu cung cấp những sản phẩm chống hạn cho cây bằng cách sử dụng những chế phẩm tăng cường giữ độ ẩm.

Không chỉ riêng những vùng cao bị thiếu nước, nhiều nơi có nguồn nước ngầm dồi dào hằng năm phục vụ tưới cho cây trồng rất tốt nhưng cũng đang trong tình trạng khô kiệt dần. Theo nhận định của các nhà vườn, năng suất cây trồng trong vụ tới chắc chắn sẽ giảm nhiều do thiếu nước. Nhiều nhà vườn chỉ đủ lượng nước tưới cầm chừng cho cây không chết.

NHÀ NHÀ SẮM MÁY BƠM, KHOAN GIẾNG

Về địa bàn các xã An Nhứt, xã Tam Phước, huyện Long Điền (BR-VT) những ngày này thấy bà con nông dân đang tập trung khoan giếng, bơm nước để cứu lúa khỏi bị chết do khô hạn kéo dài. Thực tế hàng chục ha lúa ĐX của địa phương đang vào giai đoạn trổ đòng bị thiếu nước trầm trọng. Người dân đang vô cùng lo lắng vì nguy cơ bị mất trắng lúa là rất cao bởi nguồn nước rất khan hiếm.

Do vậy, để cứu lúa nhà mình, nhiều hộ đã phải mua máy bơm về hoặc tự khoan giếng lấy nước ngầm tưới cho lúa. Nông dân Phan Văn Nhỏ, ấp An Trung, xã An Nhứt đã gieo sạ 5 ha lúa, mấy bữa nay đang phải sử dụng cả 2 máy bơm vừa mua và khoan thêm 2 giếng để kịp thời bơm nước vào ruộng cứu lúa đang trong giai đoạn trổ bông.

Ông Nhỏ tâm sự: “Cứ tình trạng khô hạn kéo dài thế này thì nguy quá, lúa lại đang giai đoạn trổ bông, nếu thiếu nước coi như mất trắng hết. Do vậy, chẳng ngồi yên mà nhìn cây khô héo dần vì “khát” nước thế này, gia đình tôi đành phải vay mượn tiền sắm gấp máy bơm và khoan giếng để cứu lúa đấy. Thà chấp nhận chi phí tăng cao còn hơn chứng kiến cảnh mất trắng".

Tương tự, trên địa bàn các xã Tam Phước, An Ngãi (huyện Long Điền) hay thị trấn Đất Đỏ, xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) người dân cũng đang phải huy động mọi nguồn lực để chống hạn cứu lúa. Tuy nhiên, theo các hộ, để khoan được giếng có mạch nước ngầm bơm lên ruộng thì chi phí phải tốn khoảng 10 triệu đồng/giếng, do vậy người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vụ ĐX 2013 này xã Phước Hội có khoảng hơn 300 ha lúa phải nhờ nguồn nước từ hồ Đá Đen, nhưng đến thời điểm này đã có hơn 70 ha lúa đang trong tình trạng bị khô hạn không đủ nguồn nước tưới. Tình trạng khô hạn đang làm cho lúa có thể sẽ bị giảm năng suất khoảng 50%.

+ Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, tình trạng thiếu nước tưới diễn ra gay gắt nhất trong mùa khô năm nay. Nguyên nhân do nguồn nước từ các hồ Đá Bàng, Đá Đen điều tiết về không đủ mà nắng nóng gay gắt cứ kéo dài khiến nước càng bốc hơi nhanh dẫn đến ruộng lúa khô hạn trầm trọng.

Mặc dù huyện đã tăng cường điều tiết nước để kịp thời cứu các vùng lúa bị khô héo, nhất là trong giai đoạn lúa ngậm sữa, trổ đòng nhưng vẫn không đủ. Do vậy dân buộc phải mua máy bơm và khoan giếng cứu lúa trước khi chờ lịch bơm nước của trạm thủy nông.

+ Theo anh Nguyễn Thanh Phước, Phó Chủ nhiệm CLB Khuyến nông ca cao xã Hưng Lộc, chưa năm nào mùa khô hạn kéo dài và nắng nóng gay gắt như năm nay. Số lượng máy bơm và giếng khoan tăng đột biến. Tuy nhiên, do không đủ nước tưới cho cây trồng, nông dân chỉ dám tưới cầm chừng duy trì sự sống cho cây nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Đồng thời, cần thiết phải giảm lượng trái, thậm chí phải chấp nhận bỏ hết trái để cứu cây.