So với cách đây một năm, giá phân bón nhiều loại đã tăng từ 50% đến gần 100%.

Tóm tắt:
 

- So với cách đây 1 năm, giá phân bón tăng gần gấp đôi.

 

- Giá tăng chủ yếu theo xu hướng thế giới và nguồn cung thiếu hụt.

 

- Cung trong nước thiếu vì các công ty tạm nhập tái xuất.

 

Giá phân bón tăng quá nhanh khiến nông dân lo lắng vì giá thành sản xuất lúa vụ tới sẽ bị đẩy lên cao, trong khi giá lúa vụ hè thu vẫn đang giảm.
 

Tăng chóng mặt

 

Khi hỏi giá phân bón chuẩn bị vụ lúa thu đông sớm vào cuối tháng 9, ông Dương Văn Thành (Châu Thành, Trà Vinh) như không tin vào tai mình khi nghe báo giá của đại lý. Ông Thành cho biết hồi tháng 4 giá phân urê chỉ 420.000 đồng/bao 50kg (8.400 đồng/kg), phân DAP 640.000 đồng/bao và phân kali có giá 540.000 đồng/bao. Thế nhưng nay giá phân urê đã bị đẩy lên đến 600.000 đồng/bao (12.000 đồng/kg), DAP lên 940.000 đồng/bao và phân kali hiện ở mức 615.000 đồng/bao. “Không biết giá phân bón sẽ còn tăng cao tới đâu trong khi lúa hè thu đã giảm gần 1.000 đồng/kg so với hồi cao điểm tháng 7” - ông Thành lo lắng cho biết.

 

Tại một số nơi ở ĐBSCL, có đại lý “hét” giá 620.000-625.000 đồng mỗi bao phân urê, tức trên 12.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

 

Các công ty kinh doanh phân bón thừa nhận từ đầu năm đến nay giá phân bón trong nước hầu như chỉ tăng và trong vòng nửa tháng qua tăng mạnh nhất. Hiện giá bán buôn phân urê của các công ty phân bón nhập khẩu ở mức 11.400 đồng/kg, tăng trên 1.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng. Còn so với cùng thời điểm này năm ngoái, khi giá chỉ ở mức 6.200 đồng/kg, thì giá phân urê đã tăng tới gần 84%. Các loại phân bón còn lại như DAP, kali... cũng có mức tăng tương ứng.

 

Thiếu hàng do xuất khẩu phân bón?

Theo Hiệp hội Phân bón VN, giá phân bón trong nước tăng khá nhanh thời gian qua chủ yếu do ảnh hưởng của giá phân bón trên thị trường thế giới tăng mạnh. Ông Nguyễn Hạc Thúy, tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN, nói hiện chưa đến thời điểm người dân mua phân bón nhiều cho vụ thu đông nên giá tăng không phải do nhu cầu tăng đột biến.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15-8, VN đã nhập khẩu tổng cộng trên 2,3 triệu tấn phân bón các loại, tăng trên 550.000 tấn so với cùng kỳ năm 2010. Còn theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất phân bón trong tám tháng đầu năm nay tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cả nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ nên lẽ ra nguồn cung phân bón của VN phải tương đối dồi dào.

Tuy nhiên, ngược với nhận định của Hiệp hội Phân bón VN, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh phân bón cho rằng giá cả thời gian qua ngoài ảnh hưởng của giá phân bón nhập khẩu tăng cao (hiện đã vượt trên 500 USD/tấn) còn do tác động từ cung thiếu hụt.

Theo các đại lý phân bón tại miền Tây, khoảng một tháng trở lại đây nguồn hàng chuyển xuống từ các đại lý cấp một và công ty nhập khẩu trở nên thiếu hụt, mua hàng rất khó khăn. Anh Kỷ, một đại lý phân bón tại Thủ Thừa (Long An), nói hàng từ các công ty trong nước đã hiếm, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm mạnh trong khi giá lại tăng. “Chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì xảy ra với giá phân bón trong thời gian qua” - anh Kỷ cho biết.

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam (TP.HCM) cho biết từ đầu tháng 8 tới nay, nhu cầu phân bón trong dân bắt đầu tăng trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ, tất yếu dẫn đến việc giá tăng. Ông Hải giải thích nhập khẩu phân bón của VN tăng so với cùng kỳ năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn so với các năm trước. Hơn nữa, nguồn cung trong nước giảm mạnh vì một lượng lớn phân bón đã được các công ty xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất. “Thời điểm này các năm trước phân bón chất trong kho của các công ty rất dồi dào nhưng hiện nay các kho tại TP.HCM lẫn địa phương gần như rỗng” - ông Hải cho biết.

Còn theo giám đốc một công ty kinh doanh phân bón tại TP.HCM, không thể trách các công ty vì phải tạm nhập tái xuất hay xuất khẩu phân bón trong thời gian qua vì có những thời điểm giá phân bón trong nước thấp hơn nhiều so với giá nhập khẩu. Hơn nữa, do lãi suất vay của ngân hàng quá cao nên các doanh nghiệp nhập khẩu không dám trữ hàng trong kho đợi giá lên mà phải tìm cách bán ngay để trả nợ cho ngân hàng, nếu không lãi suất sẽ ăn hết lãi của doanh nghiệp, thậm chí còn bị thua lỗ.

 

Theo Trần Mạnh

Tuổi trẻ