1. Tôi có nhu cầu làm đại lý / mua Đạm Phú Mỹ và các sản phẩm phân bón khác của Tổng Công ty, xin hãy cho biết tôi có thể mua tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ được không?

Hiện nay sản phẩm Đạm Phú Mỹ và các loại phân bón khác của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí được phân phối bởi 4 công ty Vùng/Miền thông qua hệ thống cửa hàng, đại lý phân phối tại các khu vực như sau:
Khu vực từ Quảng Bình trở ra đến các tỉnh phía Bắc:

Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc.
Địa chỉ: Số 68 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội.
Tel: (04) 3537 8256
Fax: (04) 3537 8255

Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên:

Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung.
Địa chỉ: Lô A2, Cụm Công nghiệp Nhơn Bình, Phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Tel: 056) 384 8488
Fax: (056) 384 8588

Khu vực Tây Nam Bộ:

Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ.
Địa chỉ: 13A Phan Đình Phùng, Phường Tân An, Quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Tel: (0710) 376 5079
Fax: (0710) 376 5078

Khu vực Đông Nam Bộ:

Công ty TNHH Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ.
Số 27 Đinh Bộ Lĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Điện thoại: 84-08 35 111 999 | Fax: 84-08 35 111 666 | E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Văn phòng Đại diện tại Campuchia:
Địa chỉ: 55 Sothearos Str, Sangkat Tonle Bassac, Khan Chamkarmon, Phnom Penh, Cambodia.
Tel: (+855) 23 630 27 27
Fax: (+855) 23 99 63 56

Quý khách hàng có nhu cầu mua bán sản phẩm, vui lòng liên hệ với Công ty thuộc khu vực của mình để xác định các cửa hàng/đại lý gần nhất có treo biển DPM để mua sản phẩm Đạm Phú Mỹ và các sản phẩm khác với chất lượng và giá cả đảm bảo theo Quy định của Tổng Công ty.

2. Tôi muốn biết những yêu cầu và điều kiện cần thiết để trở thành đại lý bán lẻ kinh doanh phân đạm của Công ty?

Để tìm hiểu về điều kiện làm đại lý bán lẻ, anh/chị vui lòng tham khảo Quy chế đại lý tiêu thụ sản phẩm Đạm Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí theo đường link sau đây: Quy chế Đại lý tiêu thụ sản phẩm DMP năm 2010.pdf

3. Chúng tôi có đơn đặt hàng mua phân đạm Urê từ Ấn Độ và Nhật Bản, vậy chúng tôi cần phải liên hệ trao đổi công việc với ai?

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã có chiến lược phát triển ra thị trường quốc tế, đặt biệt chú trọng thị trường các nước khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á. Trong năm 2010, chúng tôi đã tiến hành xuất khẩu sản phẩm của PVFCCo sang các nước Campuchia, Malaysia. Ngày 14/10/2010 vừa qua, Bộ Công thương có công văn chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu phân đạm Phú Mý để đảm bảo nguồn cung phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước. Vì vậy, với vai trò đầu tàu trong việc cung cấp nguồn phân bón chất lượng cao đồng thời góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước, hiện tại PVFCCo đang tạm ngừng xuất khẩu phân đạm Phú Mý cho đến khi có thông báo mới.

Mọi chi tiết liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu phân bón, xin vui lòng liên hệ:

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - Chi nhánh tại Tp HCM.
Địa chỉ: 29 Tôn Đức Thắng, lầu 4, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
Điện thoại: (+84) 8 3911 8126
Fax: (+84) 8 3911 8127

4. Quý Công ty có chính sách bán hàng trả chậm cho bà con nông dân không?

Theo chính sách và quy chế bán hàng hiện nay, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí không áp dụng hình thức bán hàng trả chậm.

5. Quý Công ty có thể cho biết cách phân biệt phân bón thật – giả?

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chủng loại phân bón khác nhau được dùng cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 03 loại phân bón chính được sử dụng nhiều nhất để bón cho cây trồng là: phân Đạm (N), phân Lân (P2O5) và phân Kali (K2O).
Trên thực tế, không phải bất cứ nông dân ở vùng nào cũng sử dụng phân đơn như Đạm, Lân, Kali để bón cho cây trồng mà người ta có thể dùng các loại phân hỗn hợp như DAP có chứa cả Đạm và Lân; phân NPK có chứa cả Đạm, Lân và Kali.
Các loại phân hỗn hợp hiện nay trên thị trường rất phổ biến và cũng rất đa dạng về màu sắc, hình dạng hạt, kích thước hạt và tỷ lệ phối trộn giữa Đạm, lân và Kali.
Do nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều và sự thiếu hiểu biết về các loại phân bón nên đã một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để sản xuất phân bón giả hoặc phân kém chất lượng để bán cho nông dân.
Các loại phân bón giả thường gặp trên thị trường hiện nay là phân DAP, NPK và một số loại phân phối trộn khác.
Đối với phân đạm (đặc biệt phân đạm urê) do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm cũng như yêu cầu về công nghệ sản xuất nên rất hiếm khi bị làm giả.

6. Tôi muốn biết tác hại của phân bón giả khi sử dụng trong nông nghiệp?

Do giá phân bón tăng cao, một số tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ, với phương pháp sản xuất thủ công thô sơ, đã lợi dụng tình trạng này để sản xuất, kinh doanh các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả với giá bán thấp hơn rất nhiều so với phân bón cùng loại. Một số khác lại lợi dụng nhãn mác của các hãng phân bón nhập khẩu hoặc của các công ty có uy tín trong nước để bán phân bón giá cao, song chất lượng thực tế thấp hơn rất nhiều so với công bố trên nhãn.

Phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân về tiền mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng nông sản và gây ô nhiễm môi trường.

Phân bón giả có thể làm chai cứng đất, làm giảm độ phì nhiêu của đất. Nếu phân giả sử dụng các chất hóa học độc hại, sử dụng các chất bị cấm sử dụng thì không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, môi trường đất, nước... mà còn có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe con người và động vật sau khi ăn các nông sản này.

7. Trên thị trường có nhiều cửa hàng treo biển hiệu đại lý Đạm Phú Mỹ, vậy Công ty có thể cho tôi biết cách nhận diện đại lý chính thức của Công ty?

Để tránh nhầm lẫn, Quý khách hàng lưu ý: tất cả những đại lý chính thức của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đều có chung một thiết kế biển hiệu như sau (Ví dụ: Cửa hàng ABC)

101124 web1

101124 web2

8. Tại sao nhà máy chỉ sản xuất phân Urê mà không có các loại phân khác trong khi chất lượng sản phẩm của công ty khá tốt?

Do đặc thù công nghệ nên mỗi nhà máy chỉ có thể sản xuất ra một vài chủng loại sản phẩm cuối hoặc nhiều sản phẩm tương tự (cùng thành phần nhưng khác hàm lượng) hoặc sản phẩm trung gian cho nhà máy khác. Để sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, cẩn phải đầu tư xây dựng nhiều dây chuyền công nghệ riêng biệt tương ứng với các chủng loại sản phẩm đó.

Hiện nay, PVFCCo đang tập trung sản xuất chủng loại sản phẩm Urê có chất lượng cao và sản lượng lớn theo công nghệ tiên tiến của châu Âu nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón Urê và bình ổn giá trên thị trường nội địa. Trong thời gian tới, PVFCCo sẽ đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ mới để sản xuất ra chủng loại sản phẩm NPK đáp ứng nhu cầu thị trường.

9. Xin cho biết dây chuyền sản xuất phân Urê và các loại sản phẩm khác của nhà máy?

Chi tiết về dây chuyền công nghệ sản xuất Urê rất phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn nhất định mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, một số thông tin khái quát dễ hiểu về dây chuyền công nghệ này như sau:

day chuyen sx

1/ Phân xưởng sản xuất NH3 (Ammonia Plant) có công suất 1.350 tấn/ngày, sử dụng bản quyền công nghệ HALDOR TOPSOE – Đan Mạch. Phân xưởng này bao gồm các công đoạn:

    Công đoạn tinh chế khí: gồm có Hydro hóa và hấp phụ lưu huỳnh.
    Công đoạn chuyển hóa Hydrocarbone: gồm có chuyển hóa sơ cấp và thứ cấp.
    Công đoạn chuyển hóa CO: gồm có chuyển hóa nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp.
    Công đoạn tách CO2 và Methane hóa:
    Công đoạn tổng hợp NH3: gồm có tổng hợp NH3 và chu trình làm lạnh.
    CCông đoạn thu hồi NH3 và thu hồi H2.

2/ Phân xưởng sản xuất Urea (Urea Plant) có công suất 2200 tấn/ngày, sử dụng bản quyền công nghệ SNAMPROGETTI – Italia. Phân xưởng này bao gồm các công đoạn:

    Công đoạn tổng hợp Urea và thu hồi NH3, CO2 cao áp.
    Công đoạn tinh chế Urea và thu hồi NH3, CO2 trung áp và thấp áp.
    Công đoạn cô đặc Urea và tạo hạt.
    Công đoạn xử lý nước

Trên đây mới chỉ là phân xưởng công nghệ chính, để các phân xưởng này vận hành sản xuất đòi hỏi cần đến nhiều hệ thống phụ trợ khác chưa được đề cập đến.

10. Xin cho biết về diễn tiến của bệnh nấm hồng trên cây cao su và các biện pháp phòng trừ hiệu quả?

Bệnh nấm hồng trên cây cao su: Bệnh do nấm Corticium Salmonicolor gây hại, thường tấn công phần thân nơi phân cành chính. Triệu chứng dễ nhận thấy là hiện tượng nứt vỏ, mủ chảy dọc thân cây, đông đặc thâm đen. Tại vết bệnh xuất hiện các sợi nấm mọc như mạng tơ nhện, lúc đầu có màu trắng sau đó ngả sang màu hồng. Vết bệnh thường kéo dài lên phía trên khoảng 1m và lây lan qua các cành khác ở trên cao. Nếu quan sát thấy vết bệnh chuyển sang màu hồng thì lúc đó đã rất nặng, phía trên vết bệnh đã bị chết lá khô rụng, gây nên tình trạng cây cụt ngọn. Nếu bệnh nhẹ thì có thể làm mất sản lượng mủ từ 25 - 30%, nhưng nếu nặng thì có thể lên đến 60 - 70%.

Bệnh thường gây hại ở các vườn cây từ 3-12 năm tuổi, nặng nhất lúc 4 - 8 năm tuổi và vào khoảng tháng 6-11 hàng năm. Trong điều kiện mùa mưa bệnh lây lan rất mạnh, mùa nắng thì bệnh ngưng phát triển nhưng vẫn tồn tại mầm bệnh trên cây nếu không phòng trị đúng mức. Trên những vùng đất đỏ thì bệnh này xuất hiện nặng hơn ở vùng đất xám, đất thoát nước kém.

Phòng trị:

    Hạn chế trồng giống dễ nhiễm bệnh: Rrim 600, Rrim 507, Rrim 603, Rrim 701,...
    Nên cắt tỉa bớt các cành ngang không cần thiết, cành bị bệnh đem tiêu huỷ, khai thông mương rãnh thoát nước,...
    Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp cây bị bệnh chữa trị kịp thời để ngăn chặn khả năng lây lan. Sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm hồng như Validan 5DD với nồng độ 1-2 %, phun 7 ngày/lần cho đến khi cây khỏi bệnh.

Nguồn: Kinh tế Nông thôn, Số 36, 4/9/2006

11. Xin cho biết một số sâu bệnh hại cafe?

Một số loại sâu bệnh hại cà phê:
Các loại sâu bệnh thường hay xuất hiện trong mùa mưa là:

Rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica):

Các loại rệp này thường tập trung trên các bộ phận non của cây như: chồi vượt, cành, lá, quả non... để chích hút nhựa làm rụng lá, quả khiến cây bị kiệt sức và có thể gây chết cây. Rệp thường xuất hiện nhiều trên các vườn cà phê kiến thiết cơ bản hơn các vườn cà phê kinh doanh. Biện pháp phòng trừ - Làm sạch cỏ trong lô, cắt bỏ các cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan của rệp thông qua kiến. - Dùng một trong các loại thuốc Bi58, Subatox, Suprathion, Supracide, Pyrinex... nồng độ 0,2-0,3% để phun trừ rệp, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày và chỉ phun thuốc trên những cây có rệp.

Mọt đục quả (Stephanoderes hampei): Mọt gây hại chủ yếu trên các quả xanh già, quả chín trên cây và có khả năng phát triển trong quả khô còn sót trên cây, dưới đất và cả trong quả cà phê khô cất trong kho nếu phơi chưa khô, độ ẩm nhân > 13%.

Biện pháp phòng trừ:

    Vệ sinh đồng ruộng, thu hoạch kịp thời các quả chín trên cây và phải nhặt hết các quả khô dưới đất, còn sót trên cây để cắt đứt sự lan truyền của mọt.
    Bảo quản quả khô hay nhân ở độ ẩm dưới 13% (sau thu hoạch).

Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix):

Đây là loại bệnh gây hại phổ biến trên các vườn cà phê. Nấm ký sinh vào mặt dưới của lá, ban đầu là những vết màu vàng lợt, sau đó xuất hiện lớp phấn màu da cam, các vết bệnh lớn dần và gây rụng lá một phần hay toàn bộ khiến cây bị kiệt sức. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mưa.

Biện pháp phòng trừ:
Phun một trong các loại thuốc Tilt, Bumper, Bayleton nồng độ 0,1% hay Anvil nồng độ 0,2% để phòng trừ bệnh. Khi phun thuốc phải đảm bảo các yêu cầu sau:

    Phun kỹ vào mặt dưới của lá
    Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10% lá bệnh (thường xảy ra sau khi bắt đầu mùa mưa 2-3 tháng), phun 2-3 lần cách nhau 1 tháng.
    Hàng năm phải tiến hành phun thuốc vì thuốc chỉ có tác dụng phòng trừ bệnh trong năm và chỉ phun cho những cây bị bệnh. Ngoài ra, để có thể loại bỏ hẳn các cây bị bệnh, dùng phương pháp ghép chồi thay thế. Cưa các cây bị bệnh gỉ sắt nặng, sau đó ghép các dòng cà phê vối chọn lọc có khả năng chống chịu gỉ sắt vào.

Bệnh khô cành, khô quả:

Bệnh có nguyên nhân do mất cân đối dinh dưỡng hay bị nấm Colletotrichum coffeanum gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Các vết bệnh do nấm gây ra ban đầu có màu nâu vàng sau đó lan rộng và chuyển sang màu nâu sẫm, các vết bệnh thường lõm sâu xuống so với các phần không bị bệnh.
Biện pháp phòng trừ:

    Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân cân đối để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ các cành bệnh.
    Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây để phòng trừ nấm gây khô cành, khô quả: Carbenzim 0,2%, Tilt 0,1%, Bumper 0,1%. Phun vào đầu mùa bệnh trên các vườn xuất hiện bệnh. Phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

Bệnh nấm hồng (Corticum salmonicolor):

Bệnh do nấm gây nên. Vị trí tác hại chủ yếu ở trên cành phần trên của tán, gần nơi phân cành và phần ngọn của cây. Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa. Vết bệnh ban đầu là những chấm trắng nằm ở mặt dưới của cành về sau chuyển sang màu hồng và khi vết bệnh lan rộng khắp chu vi của cành có thể gây chết cành. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là phát hiện kịp thời để cắt bỏ các cành bệnh, nếu bệnh xuất hiện phổ biến có thể dùng thuốc Validacin nồng độ 2% hay Anvil 0,2%, phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày.

Trong mùa khô, đặc biệt chú ý đến rệp sáp. Theo dõi thường xuyên để phun ngay khi phát hiện có rệp, nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào chùm quả sẽ rất khó diệt trừ. Phun thuốc Fastac 5EC, Motox 2.5 EC hay Butal 10WP. Nếu cà phê bị rệp vẩy phun Binhmor 40EC. Nếu cà phê bị bọ xít phun thuốc Cypermap 10EC.

12. NPK là ký hiệu gì trên bao bì, tác dụng của từng thành phần?

NPK nhằm chỉ 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, tức 3 nguyên tố dinh dưỡng chính yếu cần bổ sung trước tiên cho cây trồng, nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây trồng.


Chữ N nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Đạm.

Chữ P nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Lân.

Chữ K nhằn chỉ nguyên tố dinh dưỡng Kali.

Loại phân NPK là loại phân chuyên cung cấp cho cây trồng 3 nguyên tố dinh dưỡng này.

- Phân đạm là loại dinh dưỡng quan trọng nhất, có tác dụng làm cây xanh tốt, sinh trưởng chiều cao và khối lượng thân lá, hình thành hoa quả, mầm chồi...

- Phân lân có tác dụng tốt cho việc ra rễ, ra hoa...

- Phân kali có tác dụng tốt cho việc tổng hợp đường bột, xellulo, làm cây cứng cáp, giúp trái lớn nhanh, hạt mẩy, tăng độ ngọt và mầu sắc trá...

Tuy nhiên, trên đây chỉ là phân định một các tương đối và không chính xác. Bởi vì cây trồng luôn cần có đầy đủ cả 3 nguyên tố này và các nguyên tố khác nữa để tương hỗ, hình thành nên các hợp chất sinh học và các bộ phận có các chức năng riêng biệt và tác động qua lại để tạo thành sự sống một cách rất phức tạp.

Trên bao bì của phân NPK thường có 3 số chính. Số đầu nhằm chỉ hàm lượng Đạm, quy ra % Nitơ (N) nguyên chất. Số thứ 2 nhằm chỉ hàm lượng Lân, quy ra % oxyt phospho (P2O5). Số thứ 3 nhằm chỉ hàm lượng Kali, quy ra % oxyt kali (K2O). Ngoài ra, có thể một số bao bì còn ghi thêm một số chất khác như Lưu Huỳnh, Canxi, Magie v.v.. Đối với Lưu Huỳnh thường được tính bằng % lưu huỳnh nguyên chất (S), Canxi được tính bằng % oxyt canxi (CaO), Magie được tính bằng % oxyt magie (MgO).

Ví dụ: NPK 16-16-8-13S, trong đó có 16% N, 16% P2O5, 8% K2O và 13% S.

Như đã nói ở trên, cây trồng không chỉ cần 3 nguyên tố dinh dưỡng này mà còn cần tổng cộng khoảng 13 nguyên tố, trong đó chia ra:

- Các nguyên tố đa lượng gồm: N, P, K (Nitơ, Phospho, Kali).

- Các nguyên tố trung lượng gồm: Ca, Mg, S (Canxi, Magie, Lưu Huỳnh).

- Các nguyên tố vi lượng gồm: B, Cl, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn (Bo, Clo, Đồng, Sắt, Mangan, Molipden, Kẽm).

Mặc dù số lượng các nguyên tố cây cần thì nhiều nhưng nông dân thường chỉ bón một số loại phân NPK cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu phân bón cho cây vì trong đất thường có sẵn tất cả các nguyên tố dinh dưỡng này. Khi nông dân bón phân NPK tức là bón những nguyên tố thiếu hụt nhiều nhất, còn các nguyên tố khác thì cây trực tiếp khai thác từ đất.

Ở những đất tốt, tức đất có chứa nhiều các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây, thì việc bón phân ít quan trọng. Ở những đất này có thể bà con chỉ cần bón một mình phân đạm, hoặc chỉ bón phân NPK là đủ. Nhưng ở những đất xấu, tức là đất có chứa rất ít các nguyên tố dinh dưỡng, thì việc bón phân vô cùng quan trọng. Ở những đất này, ngoài phân NPK ra, bà con còn phải chú ý bón các loại phân có chứa các nguyên tố dinh dưỡng khác như bón vôi để tăng hàm lượng canxi, bón phân chuồng để bổ sung nhiều loại nguyên tố dinh dưỡng khác v.v..

Trong các loại phân lân sản xuất trong nước như phân lân Super, phân lân nung chẩy cũng chứa rất nhiều các nguyên tố dinh dưỡng khác như Canxi, Magie, Lưu Huỳnh và các nguyên tố vi lượng như Fe, Cu, Zn, Mn, B v.v.. nữa. Bà con có thể sử dụng các loại phân này như là nguồn cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng khác ngoài phân NPK.

TS. Lê Xuân Đính

13. Ngoài NPK các loại nguyên tố trung, vi lượng có tác dụng như thế nào đối với cây trồng?

Vai trò của các nguyên tố vi lượng Các nguyên tố vi lượng bao gồm: Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Bo (B), Mangan (Mn), Molipden (Mo), Sắt (Fe), Clo (Cl).

- Vai trò của Đồng (Cu): Đồng cần thiết cho sự hình thành Diệp lục và làm xúc tác cho một số phản ứng khác trong cây, nhưng thường không tham gia vào thành phần của chúng. Những cây hòa thảo thiếu Đồng có thể không trổ hoa hoặc không hình thành được hạt. Nhiều loại cây rau biểu hiện thiếu Đồng với lá thiếu sức trương, rủ xuống và có mầu xanh, chuyển sang quầng mầu da trời tối trước khi trở nên bạc lá, biến cong và cây không ra hoa được.

- Vai trò của Bo (B): Hiện tượng thiếu Bo là rất phổ biến trên thế giới. Rất nhiều loại cây ăn quả, cây rau, và các hoa màu khác có biểu hiện thiếu Bo. Cây cọ dầu đặc biệt mẫn cảm với hiện tượng thiếu Bo. Các loại đậu lấy hạt có yêu cầu cao về Bo. Bo cần thiết cho sự nẩy mầm của hạt phấn, sự tăng trưởng của ống phấn, cần thiết cho sự hình thành của thành tế bào và hạt giống. Bo cũng hình thành nên các phức chất đường/borat có liên quan tới sự vận chuyển đường và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành protein. Thiếu Bo thường làm cây sinh trưởng còi cọc, và trước hết làm đình trệ đỉnh sinh trưởng và các lá non.

- Vai trò của Sắt (Fe): Sắt là chất xúc tác để hình thành nên Diệp Lục và hoạt động như là một chất mang Oxy. Nó cũng giúp hình thành nên một số hệ thống men hô hấp. Thiếu Sắt gây ra hiện tượng mầu xanh lá cây nhợt nhạt (bạc lá) với sự phân biệt rõ ràng giữa những gân lá mầu xanh và khoảng giữa mầu vàng. Vì Sắt không được vận chuyển giữa các bộ phận trong cây nên biểu hiện thiếu trước tiên xuất hiện ở các lá non gần đỉnh sinh trưởng của cây. Thiếu sắt nặng có thể chuyển toàn bộ cây thành màu vàng tới trắng lợt. Sự thiếu sắt có thể xảy ra do sự thiếu cân bằng với các kim loại khác như Molipden, Đồng hay Mangan. Một số yếu tố khác cũng có thể gây thiếu sắt như quá thừa Lân trong đất; do pH cao kết hợp với giầu Canxi, đất lạnh và hàm lượng Carbonat cao; thiếu sắt do di truyền của cây; thiếu do hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp.

- Vai trò của Mangan (Mn): Mangan là thành phần của các hệ thống men (enzyme) trong cây. Nó hoạt hóa một số phản ứng trao đổi chất quan trọng trong cây và có vai trò trực tiếp trong quang hợp, bằng cách hỗ trợ sự tổng hợp Diệp lục. Mangan tăng cường sự chín và sự nẩy mầm của hạt khi nó làm tăng sự hữu dụng của Lân và Canxi. Cũng như sắt, Mangan không được tái sử dụng trong cây nên hiện tượng thiếu sẽ bắt đầu từ những lá non, với mầu vàng giữa những gân lá, và đôi khi xuất hiện nhiều đốm nâu đen. Ơû những cây hòa thảo xuất hiện những vùng mầu xám ở gần cuống lá non. Hiện tượng thiếu Mangan thường xảy ra ở những chân đất giầu hữu cơ, hay trên những đất trung tính hoặc hơi kiềm và có hàm lượng Mangan thấp. Mặc dù hiện tượng thiếu Mangan thường đi với đất có pH cao, nhưng nó cũng có thể gây ra bởi sự mất cân bằng với các dinh dưỡng khác như Canxi, Magie và Sắt. Hiện tượng thiếu thường xảy ra rõ nét khi điều kiện thời tiết lạnh, trên chân đất giầu hữu cơ, úng nước. Triệu chứng sẽ mất đi khi thời tiết ấm trở lại và đất khô ráo.

- Vai trò của Molipden (Mo): Molipden cần cho sự tổng hợp và hoạt động của men khử Nitrat. Loại men này khử Nitrat thành Ammonium trong cây. Molipden có vai trò sống còn trong việc tổng hợp đạm cộng sinh bởi vi khuẩn Rhizobia trong nốt sần cây họ đậu. Molipden cũng cần thiết cho việc chuyển hóa Lân từ dạng vô cơ sang hữu cơ trong cây. Hiện tượng thiếu Molipden có biểu hiện chung như vàng lá và đình trệ sinh tưởng. Sự thiếu hụt Molipden có thể gây ra triệu chứng thiếu Đạm trong các cây họ đậu như đậu tương, cỏ alfalfa, vì vi sinh vật đất phải có Molipden để cố định Nitơ từ không khí. Molipden trở nên hữu dụng nhiều khi pH tăng, điều đó ngược lại với đa số vi lượng khác. Chính vì điều này nên hiện tượng thiếu thường xảy ra ở đất chua. Đất nhẹ thường dễ bị thiếu Mo hơn so với đất nặng.

- Vai trò của Kẽm (Zn): Kẽm được coi như là một trong các nguyên tố vi lượng đầu tiên cần thiết cho cây trồng. Nó thường là một nguyên tố hạn chế năng suất cây trồng. Sự thiếu hụt Kẽm đã được thừa nhận ở hầu hết đất trồng lúa của các nước trên thế giới. Tuy nó chỉ được sử dụng với liều lượng rất nhỏ nhưng để có năng suất cao không thể không có nó. Kẽm hỗ trợ cho sự tổng hợp các chất sinh trưởng và các hệ thống men và cần thiết cho sự tăng cường một số phản ứng trao đổi chất trong cây. Nó cần thiết cho việc sản xuất ra chất Diệp lục và các Hydratcarbon. Kẽm cũng không được vận chuyển sử dụng lại trong cây nên biểu hiện thiếu thường xảy ra ở những lá non và bộ phân khác của cây. Sự thiếu Kẽm ở cây bắp gọi là bệnh "đọt trắng" vì rằng lá non chuyển sang trắng hoặc vàng sáng. Lá bắp có thể phát triển những dải vàng rộng (bạc lá) trên một mặt hoặc cả 2 mặt sát đường gân trung tâm. Một số triệu chứng khác như lá lúa mầu đồng; bệnh "lá nhỏ" ở cây ăn trái hay đình trệ sinh trưởng ở cây bắp và cây đậu.

- Vai trò của Clo (Cl): Clo là nguyên tố vi lượng sống còn cho cây trồng, đặc biệt đối với cây Cọ dầu và cây Dừa. Sự thiếu hụt Clo xảy ra phổ biến đối với dừa ở Philippin và nam Sumatra của Indonesia. Clo tham gia vào các phản ứng năng lượng trong cây. Cụ thể là nó tham gia vào sự bẻ gẫy phân tử nước với sự hiện hữu của ánh sáng mặt trời và hoạt hóa một số hệ thống men. Nó cũng tham gia vào quá trình vận chuyển một số cation như Canxi, Magie, Kali ở trong cây, điều hòa hoạt động của những tế bào bảo vệ khí khổng, do đó kiểm soát được sự bốc thoát hơi nước v.v..

TS. Lê Xuân Đính

14. Ảnh hưởng của việc thừa và thiếu phân đạm, lân và kali đối với cây cà phê?

Bón cho cây trồng thiếu hoặc thừa đạm, lân và kali đều là không tốt. Ba nguyên tố này đều có vai trò tối quan trong trong cây trồng và vì vậy sự thiếu hay thừa chúng đều gây ra những rối loạn hay mất cân bằng trong toàn bộ quá trình đồng hóa, dị hóa của cây, trong đó có cà phê.

- Đạm là một nguyên tố quan trọng bật nhất trong các nguyên tố cấu tạo nên sự sống. Đạm có trong thành phần tất cả các protein đơn giản và phức tạp, mà nó là thành phần chính của màng tế bào thực vật, tham gia vào thành phần của axit Nucleic (tức ADN và ARN), có vai trò cực kỳ quan trọng trong trao đổi vật chất của các cơ quan thực vật. Đạm còn có trong thành phần của diệp lục tố, mà thiếu nó cây xanh không có khả năng quang hợp, có trong các hợp chất Alcaloid, các phecmen và trong nhiều vật chất quan trong khác của tế bào thực vật.

Thiếu đạm cây có biểu hiện sinh trưởng còi cọc, lá toàn thân biến vàng. Thiếu đạm có nghĩa là thiếu vật chất cơ bản để hình thành tế bào nên khả năng sinh trưởng bị đình trệ, hàng loạt các quá trình sinh lý sinh hóa trong cây cũng bị ngưng trệ, diệp lục ít được hình thành nên làm lá chuyển vàng. Tuy nhiên nếu bón thừa đạm cũng không tốt. Thừa đạm sẽ làm cho cây không chuyển hóa hết được sang dạng hữu cơ, làm tích lũy nhiều dạng đạm vô cơ gây độc cho cây. Thừa đạm sẽ làm cho cây sinh trưởng thái quá, gây vóng. Các hợp chất các bon phải huy động nhiều cho việc giải độc đạm nên không hình thành được các chất “xơ” nên làm cây yếu, các quá trình hình thành hoa quả bị đình trệ làm giảm hoặc không cho thu hoạch v.v..

- Lân cũng quan trọng không kém so với đạm. Thiếu lân không một tế bào sống nào có thể tồn tại. Nucleoproteid là vật chất di truyền tối quan trọng trong nhân tế bào không thể thiếu thành phần Phospho (lân). Nucleoproteid là hợp chất của protein và axit nucleic mà axit nucleic có chứa Phospho. Axit nucleic là một hợp chất cao phân tử có tính chất như một chất keo. AND và ARN là 2 dạng tồn tại của axit nucleic. Cấu trúc của 2 chất này cực kỳ phức tạp và đóng vai trò “sao chép lại các đặc điểm sinh học” cho đời sau. Trong thành phần của axit nucleic Phospho chiếm khoảng 20% (Quy về P2O5) và axit nucleic tồn tại trong mọi tế bào và trong tất cả các mô và bộ phận của cây. Phospho còn có trong thành phần của rất nhiều vật chất khác của cây như phitin, lexitin, saccarophosphat v.v.. các chất này đều có vai trò quan trọng trong thực vật nói chung trong đó có cây cà phê.

Biểu hiện thiếu lân (phospho) là những lá già có những mảng mầu huyết dụ (tía). Cây thiếu lân thì quá trình tổng hợp protein bị ngưng trệ và sự tích lũy đường saccaro xảy ra đồng thời. Cây thiếu lân lá bị nhỏ lại và bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng. Khi lá chưa biến sang mầu tía thì mầu lá bị tối lại so với cây có đủ lân. Thiếu lân cây sinh trưởng chậm lại và quá trình chín cũng bị kéo dài. Tuy nhiên thừa lân lại làm cho cây sử dụng lân tồi hơn, vì trong trường hợp này rất nhiều lân nằm ở dạng vô cơ, nhất là ở các bộ phận sinh trưởng. Thừa lân làm cho cây chín quá sớm, không kịp tích lũy được một vụ mùa năng suất cao.

- Kali là một nguyên tố rất linh động và tồn tại trong cây dưới dạng ion. Đặc biệt kali không có trong thành phần các chất hữu cơ trong cây. Kali tồn tại chủ yếu ở huyết tương tế bào và không bào và hoàn toàn không có mặt trong nhân tế bào. Hầu hết kali trong tế bào thực vật (80%) tồn tại trong dịch tế bào, chỉ khoảng 20% là tồn tại ở dạng hấp phụ trao đổi với thể keo trong huyết tương và không bào. Mặc dù không trực tiếp tham gia vào cấu trúc vật chất cấu tạo nên tế bào nhưng kali lại có vai trò quan trọng trong việc ổn định các cấu trúc này và hỗ trợ cho việc hình thành các cấu trúc giàu năng lượng như ATP trong quá trình quang hợp và phosphoril hóa. Kali ảnh hưởng trước tiên đến việc tăng cường hydrat hóa các cấu trúc keo của huyết tương, nâng cao khả năng phân tán của chúng mà nhờ đó giúp cây giữ nước tốt, tăng khả năng chống hạn. Kali giúp cây tăng cường tích lũy tinh bột trong củ khoai tây và đường saccaro trong cây củ cải đường và đường đơn trong rất nhiều loại cây rau quả khác nhau. Kali tăng cường tính chống rét và sự chống chịu qua mùa đông của cây nhờ nó làm tăng lực thẩm thấu của dịch tế bào. Kali cũng giúp cây tăng cường khả năng kháng các bệnh nấm và vi khuẩn. Kali giúp cây tăng cường khả năng tổng hợp các hợp chất hydrat các bon cao phân tử như cellulo, hemicellulo, các hợp chất peptit v.v.. nhờ đó làm cho các loại cây hòa thảo cứng cáp, chống đổ tốt. Kali giúp cho cây tăng cường tổng hợp và tích lũy hàng loạt các vitamin, có vai trò quan trọng trong đời sống thực vật. Thiếu kali gây ảnh hưởng xấu đến sự trao đổi chất trong cây. Thiếu vắng kali sẽ làm suy yếu hoạt động của hàng loạt các men, làm phá hủy quá trình trao đổi các hợp chất các bon và protein trong cây, làm tăng chi phí đường cho quá trình hô hấp, gây lép hạt, làm giảm tỷ lệ nảy mầm và sức sống hạt giống dẫn đến ảnh hưởng xấu đến số lượng và chất lượng mùa màng.

Biểu hiện thiếu kali có thể thấy là: Các lá già trở nên vàng sớm và bắt đầu từ bìa lá sau đó bìa lá và đầu lá có thể trở nên đốm vàng hoặc bạc, bìa lá chết và bị hủy hoại và lá có biểu hiện như bị rách. Thiếu kali làm chậm lại hàng loạt các quá trình hóa sinh, làm xấu đi hầu như tất cả các mặt của quá trình trao đổi chất. Thiếu kali sẽ làm chậm quá trình trình phân bào, sự tăng trưởng và sự dài ra của tế bào. Thiếu kali còn làm giảm năng suất quang hợp và trực tiếp dẫn đến giảm sản lượng mùa màng. Ngược lại, sự dư thừa kali cũng không tốt cho cây. Dư thừa ở mức thấp gây đối kháng ion, làm cây không hút được đầy đủ các chất dinh dưỡng khác như magie, natri v.v.., ở mức cao có thể làm tăng áp suất thẩm thấu của môi trường đất, ngăn cản sự hút nước và dinh dưỡng nói chung, ảnh hưởng xấu đến năng suất mùa màng.

TS. Lê Xuân Đính

15. Nên bón cho cây tiêu kinh doanh làm mấy đợt trong năm, lượng bón bao nhiêu cho 1 gốc là đủ?

Tiêu là một cây trồng có giá trị kinh tế cao và đang được phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Cây tiêu có thể cho năng suất từ 2-3 tấn/ha, và nếu được thâm canh thật tốt tiêu có thể cho năng suất 4-7 tấn/ha.V ới giá bán khoảng 40 triệu đ/tấn thì một ha tiêu cho thu nhập 80-280 triệu đồng/ha. Đây là khoản thu nhập khá cao so với nhiều loại cây trồng khác. Để đạt được năng suất cao thì ngoài vấn đề giống trồng và các biện pháp chăm sóc khác, ta phải cung cấp cho cây đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Tiêu là cây có quan hệ họ hàng với cây trầu (trầu không) và có đặc điểm là rất ưa đất gần trung tính và có phản ứng rất tích cực với việc được bón vôi. Nếu trồng trong điều kiện đất có pH thấp (đất chua) cây rất dễ bị bệnh và năng suất, chất lượng đều giảm sút. Để tăng cường sức sống của cây ta nên thường xuyên kiểm tra độ pH đất và nếu pH thấp hơn 5,5 nên dùng vôi để cải tạo hay bổ sung canxi cho đất. Có thể dùng lân nung chẩy và lân super bón cho tiêu để nâng cao hàm lượng canxi trong đất. Nếu bón lân nung chẩy, ngoài lân và canxi ra ta còn cung cấp cho đất một lượng Magie đáng kể (khoảng 18% MgO). Nếu bón bằng lân super ngoài lân và canxi ra ta còn cung cấp cho cây một lượng Lưu huynh rất quý (khoảng 12-14% S). Ngoài canxi ra cây tiêu cũng rất cần nguyên tố vi lượng kẽm, vì vậy trong quy trình bón phân cho tiêu ngoài phân NPK và phân chuồng ra ta nên chú ý bón vôi và phun vi lượng kẽm cho cây.

Theo tổng hợp của PGS. TS. Phan Quốc Sủng thì một số công trình nghiên cứu cho thấy, nếu bón NPK theo tỷ lệ 10-24-16 cùng với bón vôi đã cho năng suất 6,7 tấn hạt tiêu khô/ha, trong khi đó cũng lượng NPK này nhưng không bón vôi chỉ cho năng suất 5,3 tấn. Nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của kẽm trong thâm canh tiêu. Nếu bón NPK + vôi cho năng suất 6,7 tấn/ha thì công thức bón như trên + phun vi lượng kẽm đã cho năng suất 7,4 tấn/ha.

Về lượng phân và cách bón cho tiêu PGS. TS. Phan Quốc Sủng đã tổng kết dựa trên các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước như sau:
- Lượng đạm nguyên chất tối đa không quá 200 kg/ha/năm.
- Lượng lân tối đa không quá 300 kg P2O5/ha/năm.
- Lượng kali tối đa không quá 250 kg/ha/năm.

Tổng lượng phân trên được chia 3-4 lần bón:
- Lần 1: Bón đầu mùa mưa với 25% lượng phân cả năm.
- Lần 2 và 3: Bón trong mùa mưa, cách nhau 2 tháng với 50% lượng bón cả năm.
- Lần 4: Bón vào mùa khô với 20 – 25% lượng bón cả năm.

Lần bón thứ 1 giúp thúc đẩy quá trình ra lá non và chùm quả non. Lần bón 2 và 3 là để thúc đẩy cây tăng trưởng và nuôi quả non. Lần bón 4 để duy trì sự phát triển và nuôi quả lớn, tích lũy chất dinh dưỡng chuẩn bị cho phân hóa mầm hoa vụ sau.

Cách bón phân có thể tóm tắt là:
- Lần 1 và lần 4 bón theo rãnh ở mép tán, với độ sâu rãnh 10 cm, rải phân đều và lấp đất.
- Hai lần bón trong mùa mưa chỉ rắc phân đều trên bề mặt đất quanh vùng tễ, đặc biệt là quanh mép tán, xong dùng bàn cào sắt cào nhẹ cho phân trộn lẫn vào đất. Tránh cuốc sâu làm đứt rễ cây.
- Nếu có bón vôi nên kết hợp với bón lần 1, với liều 300-400 kg vôi bột/ha hoặc 800-1000 kg Dolomite.
- Có thể dùng lân dưới dạng lân nung chảy hoặc lân super để bón đồng thời lân, canxi, magie hay lân, canxi và lưu huỳnh cho cây vơi liều bón khoảng 800-1000 kg/ha. Nếu bón cách này nên trừ đi lượng lân cần bón trong phân NPK.
- Phun phân vi lượng kẽm bằng những loại phân bón lá giầu kẽm hoặc phun sulphate kẽm với nồng độ khoảng 0,5% từ 2-4 lần/vụ.

TS. Lê Xuân Đính

end faq