Nhìn thẳng vào sự việc

Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2011 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi hoàn tất việc thanh tra tại PVN vào cuối quý III/2011, Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Từ khi thành lập đến nay hoạt động kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại PVN và vốn của PVN đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Hoạt động kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và chính sách của Nhà nước. Hàng năm, đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước. Triển khai thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp đúng kế hoạch; công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai tích cực; công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Việc làm và thu nhập cho người lao động ổn định.

Ngoài những kết quả đạt được như trên, trong kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra cũng đưa ra một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ PVN tháo gỡ vướng mắc về chính sách, giao Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đưa ra biện pháp giải quyết các tồn tại về vốn. TTCP cũng yêu cầu PVN tiếp tục báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng hơn 15.000 tỉ đồng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà vào đầu tư cho tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; đồng thời cũng yêu cầu PVN điều chỉnh lại một số nguồn vốn, chỉ đạo các đơn vị thành viên thu hồi nợ, thoái vốn, tái cơ cấu và rà soát đánh giá lại các gói thầu và kiến nghị làm rõ, khắc phục những tồn tại, kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm đó.

dsc 0203

Ngày 20/3/2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1175/VPCP-KNTN về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, yêu cầu Tập đoàn rà soát lại việc đầu tư ra ngoài ngành và đầu tư tại các công ty liên kết, đánh giá hiệu quả đầu tư và số liệu các công ty bị thua lỗ; tập trung vào ngành nghề chính, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh thiệt hại, lãng phí; Làm việc với Bộ Tài chính đề xuất xử lý những tồn tại về tài chính nêu trong Kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Kiểm tra đánh giá hiệu quả đối với những gói thầu chỉ định không đúng quy định, làm rõ nguyên nhân và kết luận trách nhiệm của các cá nhân liên quan, tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể cá nhân liên quan đến khuyết điểm, xử lý nghiêm túc và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi có Kết luận thanh tra và Công văn của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại nêu tại Kết luận thanh tra số 124/KL-TTCP ngày 18/01/2012 của Thanh tra Chính phủ, PVN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ số 2489/DKVN-TCKT ngày 28/3/2012 báo cáo giải trình chi tiết về việc PVN đã nhanh chóng và kịp thời khắc phục các tồn tại, đáp ứng yêu cầu của TTCP và nghiêm chỉnh tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chấn chỉnh để tự hoàn thiện

Về kiến nghị của TTCP yêu cầu PVN thu hồi về Quỹ hỗ trợ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp số tiền thu được từ việc cổ phần hóa (số chưa nộp), đến ngày 29/12/2011, các đơn vị đã nộp về Quỹ số tiền 1.991 tỉ đồng; số 108 tỉ đồng còn lại, PVN đang chỉ đạo quyết liệt để thu hồi.

TTCP yêu cầu PVN báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng tiền cho các hoạt động tài chính không thuộc các dự án trọng điểm dầu khí (Góp vốn Liên doanh Rusvietpetro, cho vay liên doanh Rusvietpetro, cấp vốn điều lệ cho PVEP). Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã hai lần gửi công văn, số 130/DKVN-HĐTV ngày 8-10-2010 và số 108/DKVN-HĐTV ngày 15/6/2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đã sử dụng nguồn tiền lãi dầu khí để lại cho PVN, trong đó PVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sử dụng tiền lãi dầu khí để lại cho PVN (15.601 tỉ đồng) để góp vốn điều lệ và cấp vốn cho Rusvietpetro thông qua hợp đồng nhận nợ và cấp vốn điều lệ cho Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) để triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước. Hiện nay Tập đoàn đang làm việc với Văn phòng Chính phủ, tiếp tục dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng phần để lại cho PVN từ tiền lãi dầu khí.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế là, khi PVN đầu tư vào Rusvietpetro và PVEP vào năm 2006 thì chưa có quy định thế nào là Công trình dầu khí trọng điểm, còn đối với PVN, việc tập trung đầu tư cho công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác luôn được ưu tiên hàng đầu trong mọi giai đoạn, trước đây rất lâu. Rusvietpetro và PVEP là 2 đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án trọng điểm về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của PVN. Ngày 14/10/2011, TTCP đã có quyết định số 1786/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xác định công trình dự án trọng điểm dầu khí được phép sử dụng tiền lãi dầu, khí – theo đó các dự án của Rusvietpetro và PVEP đều nằm trong danh mục này.

Đối với việc TTCP yêu cầu PVN điều chỉnh lại đúng nguồn các khoản tiền xây dựng trường PTTH Đất Mũi, Trường Mẫu giáo Trà My hoặc ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cà Mau để xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào các dự án tại địa phương, Tập đoàn hoặc đã kịp thời điều chỉnh hạch toán nguồn vốn, hoặc đã thỏa thuận với các tỉnh này về phương án hoàn trả.

Được biết, khi PVN thực hiện các dự án trọng điểm tại các địa phương, việc đầu tư giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào là trách nhiệm của địa phương. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, ngân sách địa phương chưa thu xếp được, PVN đã phải ứng trước khoản vốn này cho địa phương thực hiện nhằm đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh lãng phí và thiệt hại cho nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tập đoàn và các địa phương thực hiện theo phương thức này tại nhiều dự án của PVN.

Về việc chậm thu hồi số vốn đã ứng, TTCP đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn về nguyên tắc xử lý chung các khoản ứng vốn của Tập đoàn khi thực hiện các dự án tại các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đó PVN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xác định rõ nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách, việc ứng vốn và bố trí vốn hoàn trả cho PVN theo quy định. Đến nay, về cơ bản đã có phương án giải quyết các vấn đề này.

Một nội dung khác, TTCP cũng yêu cầu Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát việc đầu tư, góp vốn ra ngoài doanh nghiệp, xác định những đơn vị bị thua lỗ để có kế hoạch thoái vốn, tái cơ cấu thích hợp để bảo toàn tài sản Nhà nước. Ngày 13/02/20112, Hội đồng thành viên PVN đã có quyết định số 268/QĐ-DKVN về việc kiện toàn và Ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo/Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015. Ngày 01/3/2012, Tập đoàn đã có công văn số 360/DKVN-HĐTV về việc báo cáo Bộ Công Thương phương án tái cấu trúc. Hiện nay, Ban chỉ đạo/Tổ công tác giúp việc đang triển khai rà soát, yêu cầu đơn vị thành viên báo cáo việc đầu tư góp vốn ra ngoài doanh nghiệp để hoàn chỉnh phương án tái cấu trúc Tập đoàn, báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương.

Ngay sau khi có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát lại tất cả những gói thầu chỉ định thầu chưa đúng quy định, PVN đã tiến hành rà soát và phân tích nguyên nhân, đánh giá hiệu quả và đã có giải trình chi tiết tại công văn 2489/DKVN-TCKT ngày 28/3/2012. Đến nay, các gói thầu được nêu tại Kết luận thanh tra đã hoàn thành, đáp ứng tốt về mặt chất lượng và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đóng góp vào hiệu quả chung của các dự án, công trình. Tiếp thu và triển khai kết luận của TTCP, Tổng giám đốc PVN cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 1428/CT-DKVN ngày 24/2/2012 về việc Chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong hoạt động đấu thầu tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn để thực hiện trong toàn ngành, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu không thuộc đối tượng được phép theo quy định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu thầu.

Về kiến nghị của TTCP đối với PVN, yêu cầu một số nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc trích quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, trước đây trong các hợp đồng Dầu khí, chúng ta không có điều khoản ràng buộc tài chính về thu dọn mỏ sau khi hết đời mỏ. Chính PVN đã đề xuất trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính, trong quá trình đang khai thác, các bên liên doanh trích lập quỹ để sau này sử dụng vào việc thu dọn mỏ. Vì vậy, những hợp đồng dầu khí ký sau năm 2007 đã có điều khoản này thì các nhà thầu thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Những hợp đồng dầu khí ký trước năm 2007 chưa có điều khoản này, Tập đoàn đã trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và đang tích cực đôn đốc các nhà thầu thực hiện. Từ thời điểm có Kết luận thanh tra đến nay, ngoài các nhà thầu đã trích lập quỹ thu dọn mỏ bao gồm Cửu Long, JVPC, VSP, hiện đã có thêm KNOC trích lập quỹ.

Liên quan đến Bình Minh 02, con tàu biểu tượng của tinh thần Dầu khí, luôn ở tuyến đầu để khẳng định sự chủ động, tinh thần quyết tâm bám biển của cán bộ CNV ngành Dầu khí, ngoài nhiệm vụ khảo sát địa chấn phục vụ tìm kiến thăm dò tài nguyên còn mang trọng trách vinh quang là góp phần giữ gìn an ninh biển đảo của Tổ quốc. TTCP có yêu cầu PVN chỉ đạo PVEP đôn đốc PTSC thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02. Được biết, hợp đồng này quy định việc thanh quyết toán kéo dài trong 8 năm. Đến nay, PTSC đã thanh toán cho PVEP đợt 1 với số tiền 123,073 tỉ đồng. Việc mua sắm tàu Bình Minh 02, từ 28/9/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận cuối cùng về vấn đề này, không cần thiết phải bàn tới nữa.

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1175/VPCP-KNTN về việc xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngày 03/4/2012, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã ký công văn số 2573/DKVN-TCKT gửi các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Văn phòng Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tổng giám đốc Tập đoàn yêu cầu triển khai thực hiện ngay việc lập kế hoạch, tiến độ khắc phục từng nội dung công việc cụ thể (thời gian hoàn thành khắc phục trước ngày 30/9/2012) theo một Bảng phân công chi tiết đính kèm công văn và yêu cầu báo cáo Tập đoàn trong tháng 4/2012. Tổng giám đốc cũng yêu cầu, với mỗi nội dung tồn tại, thiếu sót phải phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại khuyết điểm và làm rõ trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân để tổ chức kiểm điểm. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo kết quả xử lý, khắc phục các tồn tại theo kế hoạch đã xây dựng.

image gallery-tau-binh-an

 Khẳng định danh dự và uy tín

Có thể nói, sau đợt thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại PVN, sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã nghiêm túc và quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh và nhanh chóng khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Chắc chắn trong thời gian sớm nhất PVN sẽ giải quyết dứt điểm và triệt để những khiếm khuyết trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời báo cáo lên Chính phủ để khẳng định danh dự và uy tín của tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước.

Lãnh đạo và tập thể CBCNV người lao động của PVN coi đợt triển khai công tác này là một cơ hội để nhìn lại mình, đánh giá lại việc quản lý điều hành guồng máy sản xuất kinh doanh và công tác sử dụng vốn, tài sản để kịp thời điều chỉnh lại những trục trặc trong hệ thống, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của mình trong tương lai.

50 năm qua, bao thế hệ người dầu khí từng cống hiến quên mình vì sự nghiệp đi tìm lửa cho đất nước, luôn vững vàng trước mọi phong ba bão táp, vượt qua muôn vàn khó khăn hy sinh gian khổ để xây dựng nên một hình ảnh Petrovietnam Anh hùng.

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam và tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ đảng viên PVN hôm nay với tinh thần và trí tuệ dầu khí, với quyết tâm và bản lĩnh vững vàng sẽ làm hết sức mình để giữ vững vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, xây dựng Petrovietnam thành một doanh nghiệp vững mạnh và uy tín trong nước và quốc tế.

 

Nguồn (www.petrotimes.vn)