Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Báo chí cần phân biệt rõ giữa thất thoát và sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong quý I/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 11 kết luận thanh tra gồm: Thanh tra tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông Quân đội; việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dược của Bộ Y tế; Thanh tra trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở; Thanh tra tại Tập đoàn Sông Đà, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng và một số dự án đầu tư xây dựng tại Kiên Giang và thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Tiền Giang. Trong đó, các kết quả thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Sông Đà, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tuyên Quang, Tiền Giang đã được phê duyệt.
Ngay sau khi thông tin trên được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đưa ra, rất nhiều câu hỏi xoay quanh các kết luận thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Doanh nghiệp kinh tế mũi nhọn, có tính chất chiến lược trong nền kinh tế – đã được đặt ra, tập trung vào 4 nội dung lớn là: Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản; Việc quản lý đầu tư xây dựng; Việc quản lý và sử dụng Quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp; trách nhiệm cá nhân đến đâu? Và đây cũng là những nội dung chính mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện. Cụ thể:
Thứ nhất, thu hồi về Quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí số tiền 1.922,2 tỉ đồng từ việc cổ phần hoá mà một số đơn vị chưa nộp về Quỹ.
Thứ hai, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng 15.000,6 tỉ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí.
Thứ ba, điều chỉnh lại đúng nguồn khoản tiền 11,8 tỉ đồng được sử dụng từ Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo mà Tập đoàn Dầu khí đã sử dụng để xây dựng trường Trung học phổ thông Đất Mũi.
Thứ tư, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang,…
Thứ năm, chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, xác định những đơn vị bị thua lỗ để có kế hoạch thoái vốn, tái cơ cấu thích hợp để bảo toàn tài sản Nhà nước.
Thứ sáu, chỉ đạo PVEP thu hồi khoản tiền PTSC chưa thanh toán theo hợp đồng chuyển nhượng tàu Bình Minh 02; khoản tiền 111,78 tỉ đồng PVC chưa thanh toán cho PVEP trong việc chuyển nhượng Khách sạn Thái Bình.
Thứ bảy, rà soát lại tất cả các gói thầu chưa đúng quy định, phân tích nguyên nhân chỉ định thầu và đánh giá hiệu quả đối với các gói thầu sai quy định, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho các đơn vị không phải là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thứ tám, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí và một số nhà thầu thực hiện nghiêm túc việc trích Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính theo Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ chín, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm như đã nêu trong Kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, Kết luận thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chỉ rõ những khuyết điểm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu là do chưa thực hiện đúng quy trình, thẩm quyền, chưa đúng trình tự. Ví dụ: Việc cấp vốn cho Ban quản lý dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau từ nguồn Quỹ nghiên cứu Khoa học và Đào tạo để thực hiện dự án xây dựng trường Trung học phổ thông Đất Mũi là chưa đúng với Thông tư số 06/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện nghiêm túc Quyết định số 40/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Về số vốn 15.000 tỉ đồng đầu tư cho 3 hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí là: Góp vốn Liên doanh Rusvietpetro 1.393,7 tỉ đồng, cung cấp hoạt động tài chính theo hợp đồng nhận nợ cho Liên doanh Rusvietpetro là 2.360,4 tỉ đồng, cấp vốn điều lệ cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí là 11.847,0 tỉ đồng chưa đúng với Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ;…
Trả lời các câu hỏi xung quanh cuộc thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định: Cuộc Thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là cuộc Thanh tra với một chủ thể lớn, lớn ở cả quy mô, nội dung, lĩnh vực, địa bàn hoạt động và đặc biệt là vấn đề doanh thu. Việc xử lý các vấn đề tài chính của Tập đoàn Dầu khí phải đảm bảo đúng pháp luật nhưng cũng phải đảm bảo tính thực tiễn bởi trong quá trình vận hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: Sai phạm có thể là sai ở trình tự thủ tục hành chính.
Trên tinh thần chỉ đạo nghiêm khắc của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần phải chẻ ra chứ không thể gộp chữ sai phạm và vi phạm, không thể tung ra 1 con số nói sai là sai được. Ví dụ: Một gói thầu với Dầu khí là rất lớn, có thể là hàng nghìn tỉ. Nhưng nếu mà sai ở một trình tự thủ tục như chỉ định thầu chẳng hạn, mà ta nói sai đó giá trị chỉ định thầu là nghìn tỉ thì ta cần phải nói rõ chứ vi phạm nghìn tỉ thì rất ghê, dư luận dễ hiểu lầm nên rất mong báo chí chia sẻ với Thanh tra Chính phủ để định tính đi theo định lượng đúng với thực tiễn.
“Đây là một cuộc thanh tra có rất nhiều nội dung, ở cả cấp độ Tập đoàn và các đơn vị thành viên nên những tồn tại, yếu kém hoặc những vi phạm trong quá trình quản lý, thực hiện đầu tư có những dạng vi phạm nào, những khuyết điểm nào thì gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, từng tập thể gắn với loại vi phạm đó”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh.
”Chúng ta không thể nhìn vào những con số mà gắn trách nhiệm cho một cá nhân. Vấn đề ở đây gắn với từng vụ việc cụ thể, có những việc chỉ là một dạng sai về trình tự thủ tục chứ thực ra là nó không mất, hay đầu tư chưa xin phép hoặc chưa đúng thẩm quyền chứ không thể nói là đầu tư đó có mất hay không. Đáng lẽ anh xin ý kiến thì anh có thể được sử dụng đầu tư”. |
Về việc đăng tải Kết luận Thanh tra trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: Đối với những cuộc thanh tra lớn như các Tập đoàn, Tổng công ty thì trách nhiệm người đứng đầu là có nhưng trách nhiệm đến đâu phải thực hiện theo quy trình kiểm điểm, chúng ta không thể nhìn vào những con số mà gắn trách nhiệm cho một cá nhân. Vấn đề ở đây gắn với từng vụ việc cụ thể, có những việc chỉ là một dạng sai về trình tự thủ tục chứ thực ra là nó không mất, hay đầu tư chưa xin phép hoặc chưa đúng thẩm quyền chứ không thể nói là đầu tư đó có mất hay không. Đáng lẽ anh xin ý kiến thì anh có thể được sử dụng đầu tư.
Được biết, tại Kết luận Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Từ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập đến nay, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn luôn có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và vốn Tập đoàn Dầu khí đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước. Việc triển khai thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp đúng kế hoạch, công tác đào tạo nguồn lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai tích cực, công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo tập đoàn Dầu khí đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý, Kết luận Thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chỉ rõ: Công tác quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí đã thực hiện theo các văn bản pháp quy áp dụng đối với doanh nghiệp như: Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật doanh nghiệp; Nghị định 142/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Và theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Dầu khí đã được kiểm toán, tính đến 31/10/2010, tổng tài sản, nguồn vốn của Tập đoàn Dầu khí là 466.059,643 tỉ đồng, trong đó, tài sản của Công ty mẹ là 238.162,023 tỉ đồng.
Ngay sau khi có Kết luận thanh tra và Công văn của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại nêu tại Kết luận thanh tra số 124/KL-TTCP ngày 18/01/2012 của Thanh tra Chính phủ, PVN đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ số 2489/DKVN-TCKT ngày 28/3/2012 báo cáo giải trình chi tiết về việc PVN đã nhanh chóng và kịp thời khắc phục các tồn tại, đáp ứng yêu cầu của TTCP và nghiêm chỉnh tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cần phải nói thêm rằng, những tồn tại được chỉ ra trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hầu hết là do hoàn cảnh lịch sử để lại hoặc do sự thay đổi về chính sách cũng như quan điểm về đầu tư tài chính, sử dụng vốn và tài sản. Thời điểm này là đúng và cần thiết, ở vào thời điểm khác và hoàn cảnh khác lại chưa phù hợp.
“Báo chí cần phân biệt rõ giữa thất thoát với sai phạm (bao gồm nhiều dạng sai phạm khác nhau). Việc phân biệt rõ sẽ là cơ sở để thông tin được chính xác, khách quan, không gây hiểu lầm đối với bạn đọc”. |
Ngày 03/4/2012, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã ký công văn số 2573/DKVN-TCKT gửi các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Văn phòng Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tổng giám đốc Tập đoàn yêu cầu triển khai thực hiện ngay việc lập kế hoạch, tiến độ khắc phục từng nội dung công việc cụ thể (thời gian hoàn thành khắc phục trước ngày 30/9/2012) theo một Bảng phân công chi tiết đính kèm công văn và yêu cầu báo cáo Tập đoàn trong tháng 4/2012. Tổng giám đốc cũng yêu cầu, với mỗi nội dung tồn tại, thiếu sót phải phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến tồn tại khuyết điểm và làm rõ trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân để tổ chức kiểm điểm, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/4/2012 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng báo cáo kết quả xử lý, khắc phục các tồn tại theo kế hoạch đã xây dựng.
Có thể thấy rằng, chuyện “sai phạm” ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như một số báo chí phản ánh thực chất là những tồn tại trong việc thực hiện quy trình, thủ tục sử dụng vốn. Và theo cách nói của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thì: “Báo chí cần phân biệt rõ giữa thất thoát với sai phạm (bao gồm nhiều dạng sai phạm khác nhau). Việc phân biệt rõ sẽ là cơ sở để thông tin được chính xác, khách quan, không gây hiểu lầm đối với bạn đọc”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Thanh tra Chính phủ khẳng định: Từ khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập đến nay, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn luôn có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và vốn Tập đoàn Dầu khí đầu tư tại các doanh nghiệp khác. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước. Việc triển khai thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp đúng kế hoạch, công tác đào tạo nguồn lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai tích cực, công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo tập đoàn Dầu khí đặc biệt quan tâm. |
Nguồn (www.petrotimes.vn)
Các bài viết khác
- PVFCCo-SE tổ chức Lễ công bố Quyết định thay đổi nhân sự - 05/04/2012
- Chi đoàn PVFCCo-SE: tháng 03 ý nghĩa - 05/04/2012
- Chi Đoàn PVFCCo-SE tham dự Đại hội Đại biểu Đoàn Tổng Công ty lần thứ III nhiệm kỳ 2012 - 2017 - 05/04/2012
- PVFCCo-SE tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 - 30/03/2012
- PVFCCo-SE tổ chức khóa học Văn hóa Doanh nghiệp - 16/03/2012