Tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả hoành hành thị trường luôn là nỗi nhức nhối cho nông dân nhiều năm qua. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ước tính phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho nền nông nghiệp khoảng 2 tỷ USD và còn kéo theo hàng loạt những hệ lụy khác cho người sản xuất và môi trường.

Thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng năm 2014 cả nước đã sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại cho trồng trọt, tăng trên 1 triệu tấn so với năm 2013. Trong đó đa phần là phân hóa học, như: ure, kali, NPK, DAP. Các nhà máy trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 8 triệu tấn, 3 triệu tấn phân bón còn lại phải nhập khẩu. Và dự báo nhu cầu về phân bón trong năm nay sẽ còn tăng so với năm trước.

Xử lý chưa nghiêm

* Phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa ngăn chặn được. Theo ông, có phải do xử lý chưa nghiêm?

- Dù diện tích trồng trọt không rộng thêm, nhưng nhu cầu sử dụng phân bón trong nước lại tăng nhanh. Có cầu ắt có cung, hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón được thành lập. Trong đó, không ít cơ sở lợi dụng những kẽ hở trong quản lý, sản xuất phân bón kém chất lượng, giả để trục lợi. Lợi nhuận từ sản xuất phân bón giả rất cao, nhưng khi bị phát hiện hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính và mức phạt chỉ từ vài triệu đến 100 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Vì thế sau khi xử phạt, các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm lại tiếp tục hoạt động. Phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại 2 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam.

* Thiệt hại từ phân bón giả, kém chất lượng gây ra cho nền kinh tế trong nước và cụ thể những người nông dân không nhỏ. Vậy hiệp hội có giải pháp gì trước tình trạng này?

- Khoảng 3-4 năm lại đây, Chính phủ thấy được thiệt hại lớn do phân bón giả, kém chất lượng gây ra nên đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở vi phạm trong sản xuất mặt hàng này đã bị phát hiện xử lý và công khai lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, mới đây nhất là vụ làm phân bón giả của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong tại Đồng Nai. Tuy nhiên, làm phân bón giả rất dễ, lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở vẫn bất chấp, lén lút sản xuất để tung ra thị trường kiếm lời. Trước tình trạng này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tăng mức chế tài các cơ sở vi phạm, và từ năm 2016 nếu cơ sở, doanh nghiệp nào sản xuất phân bón giả bị phát hiện sẽ buộc phải đóng cửa.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu được phân bón qua một số nước trong khối ASEAN và các nước khác. Để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, không chỉ riêng ngành phân bón mà các ngành khác khi hội nhập đều có cả cơ hội lẫn thách thức đi kèm. Chỉ khác là doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, vật lực sẽ vượt qua sóng gió và gặt hái thành công.

* Diện tích cây trồng tăng ít, nhưng nhu cầu sử dụng phân bón trong nước mỗi năm tăng khá cao. Có hay không tình trạng nông dân đang lạm dụng phân bón?

- Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiệu suất sử dụng phân bón trong trồng trọt tại Việt Nam mới đạt khoảng 50-55%. Điều này chứng tỏ khoảng một nửa lượng phân bón, tương đương trên 5 triệu tấn/năm, đang bị lãng phí. Làm phép tính nhanh, mỗi năm ngành nông nghiệp đang lãng phí trên 40 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, lạm dụng phân bón còn gây các tác động xấu cho môi trường, như: đất đai bị bạc màu, ô nhiễm nguồn đất, nước và còn ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Nếu sử dụng phân bón đúng cách, đúng liều lượng và thời điểm, năng suất cây trồng tăng lên, chất lượng được đảm bảo, nông dân lại giảm được nhiều chi phí đầu vào. Hiện nay, chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 50% giá thành của lúa nên việc sử dụng phân bón đúng cách, tránh lạm dụng rất quan trọng.

Nên giảm dùng phân hóa học

* Xu hướng phát triển nông nghiệp của thế giới là dùng các loại phân bón hữu cơ chất lượng cao, giảm phân hóa học để bảo vệ môi trường. Việt Nam tiếp cận xu hướng này như thế nào?

- Nhu cầu sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng tại Việt Nam vẫn chiếm 70-80% trong tổng số các loại phân bón sử dụng. Nhưng 1-2 năm lại đây, nông dân đã bước đầu làm quen và tăng sử dụng phân hữu cơ chất lượng cao cho các loại cây trồng. Nếu trước đây, Việt Nam hầu hết chỉ nhập khẩu các loại phân hóa học như: ure, kali, DAP, NPK thì nay đã nhập khẩu phân hữu cơ chất lượng cao chuyên dùng với số lượng lớn. Dự báo năm 2015, trong khoảng 3 triệu tấn phân bón nhập khẩu có hơn 30% là phân hữu cơ chất lượng cao. Tuy chưa nhiều, song nông dân đã bắt đầu làm quen và tăng sử dụng phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp hướng đến một nền nông nghiệp xanh.

1145 01

Một điểm kinh doanh phân bón tại huyện Xuân Lộc. (Ảnh minh họa)

* Gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực phân bón đã sang Việt Nam tìm đối tác để làm đại lý tiêu thụ và liên kết sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Riêng ông đánh giá sao về vấn đề này?

- Tôi nghĩ đây là điều tất yếu khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu với thế giới. Gần đây, nhiều tập đoàn sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ... đã đến Việt Nam tìm đối tác liên kết mở đại lý phân phối phân bón và đầu tư nhà máy sản xuất. Trong tương lai, cạnh tranh trên lĩnh vực phân bón để giành thị trường trong nước khá gay gắt khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này. Với ngành trồng trọt, đây lại là cơ hội vì có nhiều tập đoàn lớn đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón nông dân sẽ được lợi. Đồng thời doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam cũng có thể tìm thị trường xuất khẩu.

* Mỗi năm nông dân Đồng Nai dùng hàng trăm ngàn tấn phân hóa học cho cây trồng. Theo ông nông dân nên làm gì để tránh lạm dụng phân bón mà năng suất cây trồng vẫn ổn định?

- Thực tế việc lạm dụng phân bón hóa học cho cây trồng là tình trạng chung của cả nước. Việc này không chỉ gây thiệt hại trên 40 ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế mỗi năm mà còn để lại hậu quả là đất đai, nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh dùng phân hóa học quá liều lượng trong lĩnh vực nông nghiệp khiến nhiều loại cây trồng bị đột biến gen, thay đổi cơ chế di truyền; với con người gây nhiễm sắc thể, bệnh ngoài da, dị ứng... Vì thế, như tôi đã nói ở trên, nông dân nên tìm hiểu và sử dụng phân bón hóa học vừa đủ, năng suất cây trồng vẫn tăng cao và tiết kiệm được một khoản chi phí, lại đảm bảo sức khỏe và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng là ngày càng đòi hỏi sản phẩm an toàn, sạch. Xu hướng của thế giới đang tiến đến nền nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, phân hữu cơ trong tương lai sẽ được sử dụng nhiều để ít gây hại cho môi trường. Do đó, nông dân Đồng Nai nên từng bước chuyển qua sử dụng các loại phân hữu cơ, giảm dần dùng phân hóa học sẽ vừa tốt cho cây trồng, giảm ô nhiễm.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Trích nguồn: Báo Đồng Nai