Kali Liên Xô (C.I.S)
K20: 60,0% min
Nguồn: Liên Xô (CIS)
Kali là một trong các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng giúp cho cây trồng sinh trưởng và kiến tạo năng suất, nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch. Cây hút kali từ đung dịch đất, các loại cây trồng khác nhau hấp thu lượng kali khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu của cây ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Cây chỉ sử dụng được kali ở dạng dễ tiêu, đối với cây hàng năm cần một lượng kali thấp vào đầu vụ khi cây còn nhỏ. Khi cây lớn lên, nhu cầu kali của cây càng tăng đặc biệt là giai đoạn cây trồng trưởng thành và chuẩn bị ra hoa.
Nghiên cứu của các nhà khoa học về tính chất đất xám miền Đông Nam bộ và đất phèn đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: các loại đất này đều có hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu thấp, hàm lượng kali tổng số trong đất từ 0.03-0.09% và kali trao đổi cũng thấp (0,04 ldl/100g đất) trong khi đó nhu cầu kali của cây cao hơn gấp nhiều lần. Do vậy để cây trồng sinh trưởng phát triển và cho năng suất cao, chất lượng tốt thì con đường duy nhất là phải bổ sung kali thông qua nguồn phân bón.
Nhiều kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới và nước ta đã chứng minh rằng: Nếu thiếu kali sẽ gây ảnh hưởng xầu đến quá trình trao đổi chất trong cây, làm suy yếu hoạt động của hàng loạt các men, giảm quá trình trao đổi các hợp chất, đồng thời tăng chi phí đường cho quá trình hô hấp. Hậu quả của quá trình này là các lá già trở nên vàng sớm, lá bị khô bắt đầu từ mép lá và lan rộng ra toàn bộ lá. Đối với những cây có hạt thì ngoài hiện tượng lá bị khô cháy, còn xuất hiện hiện tượng hạt lép và làm giảm năng suất cũng như chất lượng nông sản.
Khi nghiên cứu về hiệu lực của kali đối với một số cây trồng các nhà khoa học đã chỉ ra rằng hiệu lực của kali thực hiện rất khác nhau tùy theo từng loại đất của từng vùng, hiệu lực cao nhất thường thấy trên đất xám bạc màu. Đối với các loại cây lấy hạt như ngô hiệu lực của kali đạt tương đối cao, năng suất tăng từ 23-36% và hiệu lực của kali trung bình đạt từ 15-20kg hạt/kg kali. Đối với lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long hiệu lực của kali trung bình đạt 4,6-5,5 kg thóc/kg phân kali.
Đối với cây công nghiệp ngắn ngày cũng cho thấy rằng phân kali đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng năng suất và chống chịu sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa về vai trò của kali đối với cây đậu tương cho thấy rằng kali làm tăng năng suất đậu tương khoảng 45% so với không bón, hiệu suất kali đạt từ 5,8 -15 kg đậu/kg K2O. Đối với cây lạc tùy theo lượng kali năng suất lạc tăng từ 13 đến 41% so với.không bón, với hiệu suất sử dụng kali lừ 2,3 đến 8,2 kg lạc vỏ khô/kg K2O bón vào.
Nguồn: Báo NNVN