1. Làm mạ
a. Làm mạ ruộng:
Để cấy cho 1 ha lúa cần chuẩn bị 100-150 m2 đất và gieo 10-15 kg hạt giống (0,1 kg hạt giống gieo trên 1m2 đất) hay để cấy cho 1 sào lúa cần chuẩn bị 3,5-5 m2 và gieo 0,35-0,5 kg hạt giống.
Đất gieo mạ vụ mùa nên chọn chân đất cao dễ tiêu thoát nước, tránh úng ngập khi mạ lớn. Vụ xuân chọn chân đất vàn, vàn trũng, dễ tưới nước để ruộng mạ luôn đủ ấm và tránh rét cho mạ. Làm đất phải đảm bảo nhuyễn bùn, sạch cỏ. Luống rộng 1-1,2 m, rãnh ruộng 20-30 cm, sâu 10-25 cm, mặt luống phẳng, không đọng nước.
Phân bón cho 100 m2 mạ: 4-5 kg super lân (không nên bón đạm cho mạ).
Kỹ thuật ngâm ủ giống (như bình thường), gieo hạt giống đã nảy mầm thật đều trên mặt luống. Vụ đông xuân dùng nilon che phủ luống để chống rét cho mạ. Luôn giữ cho mặt luống đủ ẩm, không giữ nước trên mặt luống.
b. Làm mạ trên nền cứng:
Lấy bùn ở ruộng lúa hoặc ruộng rau màu (không lấy bùn ao hoặc kênh mương có nước thải sinh hoạt). Rải bùn đều thành luống trên nền đất cứng hoặc sân gạch có độ dày 3-3,5 cm, luống rộng 1-1,2m, mặt luống phẳng.
Lượng giống gieo, phân bón, chăm sóc, che phủ nilon như mạ ruộng.Có thể sử dụng phương pháp gieo mạ trên cát kết hợp hạn chế ánh sáng để kéo dài kích thước cây mạ sử sụng cho ruộng nhiều nước khi cấy.
2. Làm đất ruộng cấy:
Cày bừa kỹ, ruộng nhuyễn bùn – sạch cỏ - bằng phẳng. Ruộng để lắng bùn 1-2 ngày, làm luống rộng 2m, rãnh rộng 20-30 cm sâu 15-20 cm, rãnh chung cách bờ khoảng 1m (làm rãnh nhanh và giảm công sức lao động bằng cách sử dụng vật nặng như túi đất, túi cát…kéo mạnh, bùn sẽ gạt sang hai bên luống tạo thành rãnh luống).
3. Kỹ thuật cấy:
a. Mạ non: Tuổi mạ cấy từ 2-4 lá (sau 7 ngày vụ mùa cây mạ được 2 lá).
b. Mạ khi cấy phải hạn chế tổn thương bộ rễ: Dùng xẻng xúc nhẹ thành từng miếng, quá trình vận chuyển mạ ra ruộng cấy phải đảm bảo tránh dập nát. Mạ xúc cần đem đi cấy ngay trong ngày.
Dùng tay tách từng dảnh mạ đặt nhẹ lên mặt ruộng. Không nhổ mạ để cấy.
c. Cấy thưa, cấy 1 dảnh/khóm: Mật độ cấy thay đổi theo tuổi mạ, chất đất, khả năng rút nước khi cấy.
- Tuổi mạ 2-3 lá cấy mật độ 25 dảnh/m2, khoảng cách 20x20 cm (vuông mắt sàng) luống rộng 2m có 10 cây mạ.
- Tuổi mạ 3-4 lá cấy mật độ 30 dảnh/m2, khoảng cách 18x18 cm (vuông mắt vàng) luống rộng 2m có 11 cây mạ.
- Tuổi mạ 4-5 lá cấy mật độ 35 dảnh/m2, khoảng cách 16,5x16,5 cm (vuông mắt sàng) luống rộng 2m có 12 cây mạ.
Cứ tăng hay giảm 1 cây mạ trên luống ruộng 2m thì mật độ tăng hay giảm tương ứng khoảng 5 dảnh (khóm)/m2.
4. Phân bón:
Bón cân đối đạm, lân và kali; bón đúng cách và đúng thời điểm cây lúa cần.
a. Phân chuồng hoai mục: 200-300 kg/sào, bón 100% trước khi bừa lần cuối.
b. Phân lân: Vụ xuân: 10-20 kg/sào, bón sau khi bừa lần cuối hoặc trước khi cấy. Chân đất vàn, vàn cao bón khoảng 10kg super lân; chân đất vàn trũng, trũng bón khoảng 20 kg lân nung chảy. Vụ mùa không nên bón lân.
c. Phân đạm: Giảm trung bình 30% lượng đạm theo tập quán. Số lượng bón trung bình 4 kg urê ở những ruộng vàn, trũng hoặc giàu mùn, bón trung bình 6 kg urê ở những nơi ruộng cao, vàn cao hoặc nghèo mùn. Tùy theo thực trạng đất đai, giống lúa, mùa vụ để tăng hoặc giảm 10-20% lượng đạm.
- Bón lót: Trước khi bừa lần cuối 30%.
- Bón thúc:
+ Thúc đẻ nhanh: Sau cấy 10 -20 ngày (vụ xuân), 5-7 ngày say cấy (vụ mùa) bón 50%. Vụ xuân chỉ bón đạm khi thời tiết ấm (nhiệt độ trên 15oC).
+ Thúc phân hóa đòng (đứng cái): sau cấy 45-50 ngày (vụ xuân), 35-40 ngày (vụ mùa) phải xem xét màu sắc lá lúa để quyết định số lượng cần bón. Nếu lúa xanh: Không cần bón. Tùy theo mức độ xanh vàng hay vàng xanh bón 0,5-1 kg urê/sào (khoảng 20% tổng lượng đạm)
d. Phân kali: lượng bón từ 4-6 kg kaliclorua/sào. Số lượng bón trung bình 4 kg kali ở những ruộng vàn, trũng, bón trung bình 6kg kali ở những nơi ruộng cao, vàn cao. Bón thúc đẻ nhánh 50%, bón thúc phân hóa đòng 50%.
Đối với đất nhẹ (cát, cát pha, thịt nhẹ) phải tăng số lần bón đạm hoặc bón phân hỗn hợp NPK (thay cho bón phân đơn) số lượng bón quy đổi từ tỉ lệ phân nguyên chất.
5. Điều tiết nước:
a. Giữ nước:
- Lần 1: Từ khi cấy đến sau khi bón phân thúc đẻ nhánh 7-15 ngày, kết hợp làm cỏ - trừ cỏ. Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 2cm. Chú ý vụ mùa giữ nước đến khi làm cỏ xong mới rút kiệt nước.
- Lần 2: Từ khi lúa phân hóa đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước thu hoạch khoảng 15 ngày. Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 3 cm.
b. Rút nước:
- Lần 1: Sau kho bón phân thúc đẻ nhánh và làm cỏ 7-15 ngày đến khi lúa phân hóa đòng (đứng cái). Rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ (đi vào ruộng chỉ hơi lún đất không bị lấm chân). Nếu ruộng khô thì tưới ẩm vào các rãnh, không giữ nước trên ruộng.
- Lần 2: Từ khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước thu hoạch khoảng 15 ngày đến khi thu hoạch. Rút kiệt nước triệt để cho ruộng ở mức độ nẻ (đi vào không lún chân).
Những nơi chủ động tưới nước nên giữ cho ruộng đủ ấm, không cần giữ nước trên mặt ruộng.
6. Phòng trừ sâu bệnh:
Thăm đồng thường xuyên, làm cỏ - trừ cỏ kịp thời, phòng trừ sâu bệnh theo kết quả phân tích đồng ruộng (phân tích hệ sinh thái).
Sâu cuốn lá nhỏ: Đẻ nhánh > 50 con/m2; đòng trỗ > 20 con/m2; đục thân: 0,3 ổ trứng/m2; rầy nâu, rầy lưng trắng: > 3.000 con/m2; khô vằn > 10% số dảnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội